Chè cổ thụ Suối Giàng mang màu sắc của miền thượng giới, thì chè cổ thụ Hà Giang có dáng dấp can trường và nghĩa khí của những hiệp khách biên ải. Câu chuyện giữa ông Ngô Viết Thành với chúng tôi trong một buổi sáng Hà Giang vừa trở rét, sắt se cơn gió mùa đông bắc cứ thao thức những nỗi niềm...

Từ Hà Giang nghĩ về chè Phổ Nhĩ

Vốn là một kỹ sư xây dựng thủy lợi, sau khi về hưu ông Thành lập công ty xây dựng, nhưng rồi khi khám phá những rừng chè cổ thụ cực kỳ quý hiếm của Hà Giang lại không giúp cuộc sống bà con người Mông, người Dao khấm khá hơn, ông chuyển hướng đến với cây chè. Công ty TNHH Thành Sơn đã ra đời và làm nên thương hiệu chè shan tuyết Thành Sơn có tiếng. Một trong những trăn trở lớn nhất của ông Thành là làm sao để nguồn nguyên liệu của giống chè cổ thụ shan tuyết quý hiếm này phải đạt tới giá trị gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Bởi một điều rất đơn giản là cũng với một vùng nguyên liệu như Hà Giang đang có, thậm chí chất lượng nguyên liệu chưa hẳn đã hơn shan tuyết Hà Giang, nhưng những người làm chè ở Vân Nam (Trung Quốc) đã sản xuất ra loại chè Phổ Nhĩ với giá bán lên tới cả trăm nghìn USD/kg nếu loại chè này được để lâu năm.

Trong giấc mơ của mình, thay vì từ nguyên liệu shan tuyết để chế biến ra loại chè vàng bình thường, ông Thành thiết tha đề xuất Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cần khẩn cấp tư vấn cho người dân vùng Tây - Đông Bắc về quy trình kỹ thuật trồng, chế biến nguyên liệu để cho ra thành phẩm chè kiểu như Phổ Nhĩ. Theo ông, nếu làm được như thế, từ nguồn nguyên liệu của hơn 40.000ha chè shan tuyết Hà Giang, giá trị cuối cùng của sản phẩm chè hẳn là một con số đủ sức thay đổi cuộc sống hàng vạn người dân Mông, Dao, Tày... trên biên cương cực Bắc. Mơ ước ấy không chỉ riêng của ông Ngô Viết Thành, chúng tôi đã gặp những con người sống chết với cây chè shan tuyết để mang khát vọng trà Việt xứng danh với vị trí thủy tổ cây trà thế giới...

Nỗi lòng thương hiệu “Suối Giàng”...

Trên một quãng phố của TP Yên Bái, chúng tôi đếm hàng chục tiệm trưng biển chè Suối Giàng, xa hơn, nhiều thành phố khác như Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang... tới tận Hà Nội, Sài Gòn cũng không ít tiệm bán chè “Suối Giàng”. Nhưng với sản phẩm 400 tấn chè tươi, cho ra 100 tấn chè khô mỗi năm, chè Suối Giàng ở đâu mà lắm thế?

Trao đổi điều này với ông Nguyễn Hợp Đoàn, phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, được lời như cởi tấm lòng, ông Đoàn tuôn trào ấm ức: “Ai cũng biết chè Suối Giàng thật chỉ có một, nhưng chè núp dưới tên Suối Giàng thì có khắp cả nước. Giờ thì huyện chỉ biết tập trung phát triển vùng chè cổ thụ đúng theo nghĩa tự nhiên nhất. Chúng tôi từng có kế hoạch phát triển chè shan tuyết bằng cách giâm cành, bón phân để nhanh có chè thu hoạch, nhưng để bảo tồn nguồn gen của chè Suối Giàng, giờ đây huyện quyết định trồng chè bằng cách gieo hạt từ nguồn giống lấy từ những cây chè cổ thụ tốt nhất”.

Chị Lâm Thị Kim Thoa, chủ nhiệm HTX chè Suối Giàng, vốn là cán bộ Công ty Thương mại và du lịch tỉnh Yên Bái đã “rẽ ngang” sang làm chè chỉ bởi quá xót xa khi thấy chè Suối Giàng bị “đánh lận con đen” quá nhiều. Cùng với vài người bạn ở Suối Giàng và đặc biệt là anh Nguyễn Mạnh Bình, chồng chị, vốn gắn bó lâu với Suối Giàng, nắm vững các kỹ thuật chế biến chè riêng có tại đây. Sản phẩm của HTX Suối Giàng chưa nhiều, mỗi năm chỉ chừng vài tấn, nhưng như chị Thoa nói cố mà làm chè đúng nghĩa Suối Giàng, xây dựng thương hiệu riêng với niềm hi vọng “hữu xạ tự nhiên hương” mà đánh bạt đi những Suối Giàng giả hiệu đang nhan nhản trên thị trường. “Tuyết Sơn trà” là thương hiệu chè shan tuyết của HTX chè Suối Giàng do chị Thoa làm chủ nhiệm.

(Chị Lâm Thị Kim Thoa đang giới thiệu sản phẩm Tuyết Sơn Trà)

Ước mơ từ “thủ phủ” chè shan tuyết...

Suối Giàng hội đủ điều kiện để trở thành một “thánh địa” của chè cổ shan tuyết. Chỉ riêng cái khí hậu ôn đới như Đà Lạt hay Sa Pa của Suối Giàng đã khiến người ta thèm được đắm mình trong không gian bốn mùa mỗi ngày như thế này rồi. Cứ tưởng tượng con đường từ Văn Chấn lên Suối Giàng quanh co với mây núi bao bọc, ẩn sau một khúc cua là bất ngờ một quán trà hiện ra với những sơn nữ sao chè theo cách thủ công, rồi mời khách thưởng thức cái hương vị riêng có của cây chè nơi miền trời đã đủ cho lòng hưng phấn. Huống nữa, quanh những khu đồi miên man bóng chè kia, xen lẫn là những vạt pơmu dáng trầm mặc mà kiêu hãnh.

Không cần chi những biệt thự hoa lệ, hãy làm những ngôi nhà lợp bằng gỗ pơmu như người Mông bao thế kỷ nay vẫn quần tụ dưới chân đỉnh núi Chông Páo Mùa. Đó là những nếp nhà thơm sực mùi nhựa pơmu và tấm “ngói” bằng gỗ pơmu ấy biết cong lên dưới ánh nắng trưa cho những tia nắng lọt vào nhà, soi “những hạt bụi thành hạt vàng” như ý một câu thơ. Và khi mưa xuống, mái gỗ ấy biết khép lại úp khít lên che những hạt mưa xiên khoai.

Giữa rừng chè cổ thụ đẹp như những bonsai qua hàng bao thế kỷ ấy, trong những nếp nhà thơm mùi nhựa pơmu và hương hoa chè dịu ngọt, du khách bên bếp lửa tự tay pha ấm trà với những búp móc câu phủ lớp tuyết óng ánh bạc, nhìn qua cửa sổ mây đang giăng màn trên đỉnh núi, hay phóng tầm mắt qua lan can hiên nhà sàn để thấy cánh đồng Nghĩa Lộ - Văn Chấn huyền ảo trong sương sớm, hẳn không một du khách nào không cảm giác Suối Giàng chính là “miền trời” nơi hạ giới.

Tất nhiên tất cả những điều đó có là hiện thực hay không thì còn phải chờ đợi. Dù trên dự án để đưa Suối Giàng thành một thủ phủ của chè shan tuyết cổ thụ các thông số đã thành hình.

Có dịp đi ra xứ người, ghé thăm những làng trà của người ta đưa vào khai thác du lịch, mới biết chúng ta hơn hẳn về cảnh sắc, hơn hẳn vị chè và những gốc chè cổ thụ qua bao thế kỷ như Suối Giàng thì xứ người không làm sao có được, vậy mà người ta vẫn khiến hàng triệu du khách ghé đến mỗi năm.

__________

Chúng ta có quyền mơ ước về ngày mai của Suối Giàng như thế bởi với người Việt, chè (hay trà) đã là một phần văn hóa được gìn giữ qua bao nhiêu thế kỷ... chén chè (hay tách trà) đã là một thứ không thể thiếu để mở đầu nghi lễ giao tiếp của người Việt.

Kỳ 1: Thủy tổ rừng trà Việt Nam

Kỳ 2: Huyền thoại chè Shan Tuyết