Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa (huyện Bắc Yên, Sơn La) đã không còn xa lạ với dân xê dịch những năm qua, được ví là vương quốc chè cổ thụ. Từ trung tâm huyện Bắc Yên, chúng tôi ngược hành trình lên vùng đại ngàn Tà Xùa. Nằm ở độ cao 1.600-1.800m so với mực nước biển, cánh rừng bản Bẹ, xã Tà Xùa xanh thẳm, xung quanh 4 mùa sương mây bao phủ. Anh Mùa A Vàng, người Mông, trưởng bản Bẹ cho chúng tôi biết: “Hiện nay cánh rừng chè Shan tuyết cổ thụ ở đây rộng khoảng 40ha, với 1.560 gốc, trong đó có 200 cây thuộc vào loại lâu đời nhất – khoảng 300 năm đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam xếp hạng “Cây di sản Việt Nam” cuối năm 2019”.
Rừng chè cổ thụ bản Bẹ đang trở thành một điểm du lịch mới thu hút khách du lịch khi đến với thiên đường mây Tà Xùa. Đến bản Bẹ, du khách không chỉ được lang thang dưới những tán chè cổ thụ mà con được xem bà con đồng bào Mông hái và sao chè. Từ giữa năm 2019, huyện Bắc Yên nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung đã lấy rừng chè cổ thụ bản Bẹ làm điểm dừng chân trong tuyến du lịch vùng cao ở đây.
Theo chân anh trưởng bản, chúng tôi leo lên con đường mòn để tới thăm rừng chè. Có những cây cổ thụ được người ta đặt cho cái tên “cụ chè” với đường kính vòng gốc hơn 30cm, tán lá vươn cao 5-7m. Cụ Mùa A Sử, 78 tuổi – một cao niên trong bản kể từ bé theo cha lên núi đã thấy những cây chè to lớn ở cánh rừng rồi. Người dân luôn luôn bảo vệ những gốc chè quý hiếm, không bao giờ chặt phá, xâm phạm. Để có được những ấm trà Shan tuyết Tà Xùa “vạn người mê”, bản Bẹ hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Đó là, vùng núi cao khí hậu đặc biệt, thời tiết 4 mùa rõ rệt trong một ngày. Ban đêm lạnh giá đặc trưng của mùa đông, đến sáng có sương kèm mưa phùn mùa xuân, trưa nắng lên nhiệt độ cao giống mùa hè, đến chiều lại se se lạnh như mùa thu. Đặc trưng thời tiết ấy khiến sản phẩm trà sau khi được hái, sao từ rừng chè cổ thụ có vị riêng, độc đáo, vị chát rất thanh và dư vị ngọt kéo dài sau khi uống.
Bên cạnh đó, người Mông đã áp dụng những nguyên tắc thu hái, phơi sao thủ công vô cùng công phu, tỉ mỉ. Theo ông Mùa A Sử, chè luôn luôn được thu hái theo nguyên tắc 1 tôm-1 lá hoặc 1 tôm-2 lá, thời gian hái phải từ 5-8 giờ sáng hoặc sau 16 giờ chiều. Đây là những thời điểm mát mẻ, nhiều sương mù. Mỗi lần hái 6kg búp chè loại 1 tôm 1 lá, sao bằng phương pháp thủ công trong chảo nóng mới cho ra 1kg chè khô. Giá trị sản phẩm trà Shan tuyết Tà Xùa khá cao, từ 3-6 triệu đồng/kg, giúp đồng bào Mông ở Tà Xùa đã sống được với cây chè, có hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Trong chuyến lên ngắm cảnh ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Hà Giang, anh chủ homestay người Mông đã mời chúng tôi uống trà đặc biệt có tên Fìn Hò, được sản xuất ở những vùng núi cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh, do bà con người Dao đỏ và La Chí hái về. Câu chuyện gợi mở đã hấp dẫn chút tôi đến thăm Phìn Hồ, nơi sản xuất trà Shan tuyết nổi tiếng.
Phìn Hồ là một bản người Dao đỏ, thuộc xã Thông Nguyên, nằm treo leo bên sườn núi Tây Côn Lĩnh, cách thị trấn Vinh Quang, Hoàng Su Phì hơn 30km. Người Dao đỏ ở Phìn Hồ và người La Chí ở xã Hồ Thầu bao đời nay đã băng rừng vượt núi để lên những điểm cao hơn 2.000m so với mực nước biển tìm hái lá, búp của cây chè cổ thụ. Nơi đây có nhiều gốc chè mọc tự nhiên trên núi cao, sức sống dẻo dai chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, quanh năm sương phủ. Người già ở Phìn Hồ vẫn kể có cây chè cổ thụ sống cheo leo trên vách núi tới vài trăm năm. Theo nghiên cứu, hiện nay ở dãy Tây Côn Lĩnh có gốc chè đã tồn tại 700 năm (vào loại cổ nhất ở Việt Nam).
Anh Triệu Tài Vĩnh, chủ một hộ Dao đỏ ở Phìn Hồ cho biết: “Đồng bào Dao đỏ đã định cư ở đây từ hàng trăm năm trước. Người dân chúng tôi luôn giữ thói quen vào rừng tìm đến những rừng chè cổ thụ để hái. Một năm có 4 mùa thì người dân cũng đi hái chè theo bốn vụ.
Trong đó vụ xuân hái sau Tết Nguyên đán là sản phẩm trà ngon nhất. Bởi sau một mùa đông lạnh giá, khi chớm sang xuân những cơn mưa phùn, sương mù, những búp chè đầu tiên mọc ra sẽ ngon nhất, đem lại giá trị cao nhất”. Chỉ tay về những dãy núi cao chót vót từ bản Phìn Hồ lên đến tận đỉnh Tây Côn Lĩnh (cao 2.427m) thuộc xã Túng Sán và đỉnh Chiêu Lầu Thi (cao 2.402m) xã Hồ Thầu, anh Vĩnh cho biết người Dao đỏ và La Chí đã mở đường băng rừng, vượt núi để tìm hái búp, lá chè cổ thụ. Họ phải trèo lên những chè cổ thụ cao vút vươn tán đến 10-12m, thân sần sùi, rêu phong bám đầy, để hái được chồi lá xanh mới mọc.
Có lẽ vì thế, người ta đã đặt mệnh danh loại chè Shan tuyết cổ thụ được người Dao đỏ, La Chí làm ra ở vùng Tây Côn Lĩnh là “6 cực”. Đó là “cực khổ” phải băng rừng sâu, vách đá để hái; “cực ngon” bởi tuyển chọn kỹ càng từ những búp chè mọc tự nhiên tuyệt hảo nhất; “cực sạch” bởi mọc trên đỉnh núi cao chót vót; “cực đẹp” bởi những búp chè với lớp lông mao trắng như tuyết; “cực hiếm” bởi sản lượng rất hạn chế, cả bản chỉ làm ra vài trăm kg/năm; và có giá “cực đắt” loại đặc biệt 1 tôm 1 lá giá 6-10 triệu đồng/kg, riêng loại chè Shan tuyết thượng hạng chỉ 1 tôm đóng gói sẽ có giá 15 triệu đồng/kg với tên gọi Bạch Trà, Hồng Trà.
Hiện nay, ở Hoàng Su Phì đã hình thành ra các HTX sản xuất chè đạt chuẩn VietGap, trong đó HTX Phìn Hồ với thương hiệu Trà Fìn Hò nổi tiếng và lớn nhất. Thời gian qua, huyện Hoàng Su Phì cũng đã có định hướng phát triển du lịch sinh thái phục vụ du khách chinh phục các đỉnh núi, kết hợp với trải nghiệm, tìm hiểu phong tục tập quán, việc thu hái, chế biến và thưởng thức trà cùng đồng bào Dao đỏ, La Chí.
Trong những rừng chè cổ thụ ở vùng núi cao miền Bắc, chúng ta không thể bỏ qua cái tên Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Nằm ở độ cao khoảng 1.400-1.700m so với mực nước biển, xã Suối Giàng, Văn Chấn, có khí hậu rất mát mẻ, dễ chịu giống Sapa, Tam Đảo.
Khác với những rừng chè cổ thụ ở Tây Côn Lĩnh treo leo hiểm trở, chè cổ thụ Suối Giàng mọc rải rác ở những vị trí tương đối bằng phẳng, dễ tìm. Cho đến nay chính quyền địa phương ở đây đã thống kê được diện tích chè cổ thụ mọc tự nhiên có tuổi đời 100-400 năm ở Suối Giàng lên tới gần 300ha (nếu tính cả diện tích gốc chè trồng cách đây 50-70 năm, tổng số là 394ha). Chính vì thế, rừng chè cổ thụ Suối Giàng được xếp vào loại lớn nhất Việt Nam, trong đó có một cây chè tổ và quần thể 400 gốc chè cổ thụ lâu năm nhất được công nhận “Cây di sản Việt Nam”.
Chúng ta có thể bắt gặp những cây chè cổ thụ vòng gốc khổng lồ một người lớn ôm mới xuể mọc ngay bên đường nhựa, trong vườn nhà người Mông. Ngay trung tâm xã Suối Giàng có một ngôi nhà sàn sang trọng, lớn nhất vùng, xung quanh là vườn chè cổ thụ với hàng chục cây. Theo chủ nhân ngôi nhà sàn cho biết, đây chính là nơi giới thiệu và cung cấp các sản phần trà Shan tuyết Suối Giàng từ đặc biệt đến thượng hạng…
Nhiều vườn chè cổ thụ xung quanh nhà còn được người Mông kết hợp với nuôi ong mật. Du khách có thể tham quan, uống thử trà, mua mật ong và thuê phòng nghỉ qua đêm. Cách đó không xa, trên những đỉnh đồi hay dưới sườn núi thuộc các bản Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp… du khách cũng dễ dàng tìm thấy rừng chè cổ thụ, tha hồ chụp ảnh, thăm ngắm, thậm chí có thể trèo lên cây thử hái chè như người bản địa.
Rừng chè cổ thụ Suối Giàng đã nổi tiếng từ 60 năm trước, khi ông Djemmukhatze, thuộc Viện Hàn lâm Liên Xô, ghé thăm đã phải thốt lên: “Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm nhiều như ở Suối Giàng, phải chăng đây là cội nguồn của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới” (trích trong sổ lưu niệm xã Suối Giàng).
Nguồn wikitra